Đổi mới giáo dục đạo đức trong các nhà trường
Lượt xem: 1399
Giáo dục đạo đức cho học sinh được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục và phát triển đất nước bởi không chỉ bồi dưỡng nhận thức về các chuẩn mực xã hội mà còn góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người.
Giáo dục đạo đức cho học sinh được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục và phát triển đất nước bởi không chỉ bồi dưỡng nhận thức về các chuẩn mực xã hội mà còn góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người. Thời gian qua, để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh trong các nhà trường theo định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tăng cường giáo dục đạo đức học sinh thông qua các hoạt động giáo dục.



Giờ học tô màu của các cháu Trường Mầm non thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Các nhà trường thực hiện đổi mới chương trình giáo dục theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm tới nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, phát huy phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập. Từ năm 2017, môn Giáo dục công dân được chọn là một môn thi trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Kết quả môn thi này của tỉnh ta luôn nằm trong nhóm các môn có điểm thi cao nhất. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh. Chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh có nhiều đổi mới phù hợp. Giáo dục đạo đức được giảng dạy liên tục, xuyên suốt từ tiểu học đến trung học phổ thông trong các chương trình môn học chính khoá và các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chuyên đề dạy học trong mỗi môn học và các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp với việc tổ chức hoạt động học tập tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh. Quá trình lập kế hoạch giảng dạy các môn học, giáo viên chủ động tích hợp nội dung giáo dục đạo đức ở những bài, những nội dung thích hợp; trong đó, chú trọng khơi gợi những giá trị tốt đẹp vốn có của con người như: Lòng nhân ái, yêu thương, tôn trọng, bao dung, trung thực, trách nhiệm, chia sẻ, hợp tác…, lồng ghép trong các bài đọc, các môn tự nhiên - xã hội. Nhiều trường học còn thành lập tổ tư vấn tâm lý, đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc thường xuyên quan tâm, kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý, phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột của học sinh…; hoặc tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khoá, tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động thiện nguyện cộng đồng xã hội như: Quyên góp đồ dùng làm từ thiện, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, hoạt động chào cờ và hát Quốc ca tại các buổi lễ trong trường học đã được thực hiện nghiêm túc; toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trực tiếp hát Quốc ca (không sử dụng băng thu sẵn)… Hầu hết các di tích lịch sử - văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ được các trường nhận chăm sóc; nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng được các nhà trường quan tâm, giúp đỡ… đã góp phần giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn các thế hệ đi trước, đạo lý uống nước nhớ nguồn… Đặc biệt, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05/2017/CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục (giai đoạn 2017-2021), Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị kết hợp triển khai thực hiện lồng ghép với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phong trào thi đua “Đổi mới - Sáng tạo trong dạy và học”; xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Quán triệt, thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ tới cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhà giáo, công chức, viên chức; tổ chức giáo dục chuẩn mực đạo đức cho người học; chỉ đạo các trường học triển khai tích hợp giảng dạy các giáo trình, tài liệu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chương trình chính khóa; từ năm học 2016-2017 triển khai sử dụng bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” từ lớp 2 đến lớp 12. Chỉ đạo các đơn vị trường học bổ sung, hoàn thiện “Tủ sách Bác Hồ”, tủ sách bồi dưỡng nhân cách, nhất là những cuốn sách tuyên truyền về tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bố trí ở vị trí thuận lợi để người đọc dễ tiếp cận, sử dụng; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực tham gia cuộc thi viết những kỷ niệm sâu sắc về mái trường, thầy cô do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; phát động cán bộ quản lý, người học tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cử cán bộ tham gia báo cáo viên giỏi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh tổ chức. Năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định là một trong các đơn vị đứng đầu lĩnh vực công tác chính trị tư tưởng được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen; cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nam Định là tỉnh có số lượng giáo viên và học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen nhiều nhất; cuộc thi viết những kỷ niệm sâu sắc về mái trường, về thầy cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen đơn vị có nhiều bài tham dự chất lượng tốt nhất. Các đơn vị tiêu biểu trong giáo dục đạo đức cho học sinh và thực hiện tích cực Chỉ thị 05 như: Phòng Giáo dục và Đào tạo Trực Ninh, Phòng Giáo dục và Đào tạo Ý Yên, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trường Trung học phổ thông A Hải Hậu…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh còn bộc lộ những hạn chế: nội dung giáo dục đạo đức nhiều lúc chưa thiết thực; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ; vẫn còn hiện tượng học sinh, sinh viên vi phạm trật tự an toàn giao thông, pháp luật, như: Đi xe đạp điện, xe máy điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm; ứng xử chưa có văn hóa trong nhà trường; việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc học sinh thực hiện các nội quy, quy định còn hạn chế...; chưa đảm bảo đồng đều, hài hòa giữa dạy chữ với dạy người. Các nhà trường chưa chú trọng việc dân chủ hóa các nội quy, quy chế. Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường còn hình thức; chưa phát huy được vai trò các đoàn thể xã hội trong việc giáo dục đạo đức học sinh.

Để khắc phục tồn tại, ngành Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo các trường học triển khai tích hợp giảng dạy các giáo trình, tài liệu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chương trình chính khóa; hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” từ lớp 2 đến lớp 12 lồng ghép trong giảng dạy các môn học và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động Đoàn, Đội. Chỉ đạo các đơn vị trường học bổ sung, hoàn thiện “Tủ sách Bác Hồ”, nhất là những cuốn sách tuyên truyền về tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giáo viên, học sinh. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm thông qua các hoạt động tập thể. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường; phát huy vai trò của các đoàn thể xã hội trong việc thực hiện các quy định, quy chế trong nhà trường./.






Tin liên quan



image advertisement

image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Thị trấn Thịnh Long
Địa chỉ: UBND thị trấn Thịnh Long - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định
Điện thoại:    * Email: ttthinhlong.hhu@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tịch UBND thị trấn
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang