Đột phá phát triển thương mại dịch vụ thị trấn Thịnh Long
Lượt xem: 777
Vừa nằm sát biển, lại có 7km sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) có nhiều điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, thương mại, đặc biệt là dịch vụ du lịch biển và hậu cần nghề cá.
Vừa nằm sát biển, lại có 7km sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) có nhiều điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, thương mại, đặc biệt là dịch vụ du lịch biển và hậu cần nghề cá.


Sản phẩm nước mắm Tân Phú, thị trấn Thịnh Long tham gia gian hàng xúc tiến thương mại do Sở Công thương tổ chức tại thành phố Nam Định.

    Xác định thương mại dịch vụ là thế mạnh có thể thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, trong những năm qua, UBND thị trấn Thịnh Long đã chú trọng quy hoạch phân khu phát triển sản xuất và các loại hình dịch vụ; đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân tăng cường giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển đa dạng các ngành nghề dịch vụ. Trong đó, khu thương mại dịch vụ sát bờ biển và khu dịch vụ nghề cá gắn với các cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản dọc theo các trục đường chính trong khu dân cư. Thị trấn đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng 2 khu chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân địa phương và khách du lịch. Người dân được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn các chương trình tín dụng mục tiêu, ưu đãi để đầu tư, phát triển sản xuất, tổ chức dịch vụ với tổng dư nợ trên 50 tỷ đồng. Do đó đến nay trên địa bàn thị trấn có hơn 1.000 hộ kinh doanh cố định cùng nhiều hộ kinh doanh vãng lai, mùa vụ, tạo điều kiện cho hàng hóa thông thương; đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm của nhân dân địa phương, khu vực lân cận và khách du lịch. Trong đó, riêng dịch vụ du lịch biển đã có 120 khách sạn, nhà nghỉ, ki-ốt với trên 1.000 phòng đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ, vui chơi giải trí của khách du lịch. Đặc biệt, thời gian gần đây, dịch vụ du lịch nghỉ mát, tắm biển được người dân thị trấn đổi mới sáng tạo các sản phẩm du lịch đa năng gắn với du lịch tâm linh và tham quan làng nghề truyền thống nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại địa phương, khắc phục sự đơn điệu, tẻ nhạt. Theo đó, nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa, tôn giáo và làng nghề trên địa bàn thị trấn như: Đền Trần, Chùa Linh Ứng, Nhà thờ Thịnh Long, chợ Thịnh Long; làng nghề se lưới cước Minh Châu, làng nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản… được chọn làm điểm dừng chân tham quan, mua sắm của du khách… Do đó, khách du lịch đến Thịnh Long ngày càng đông; nhiều chương trình, sự kiện văn hóa các quy mô (kể cả toàn quốc) được tổ chức thành công tại đây. Trung bình mỗi năm doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 50 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Bên cạnh phát triển dịch vụ du lịch biển, thị trấn khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; khai thác, chế biến thủy, hải sản, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Với trên 50 công ty, cơ sở và hàng trăm hộ tham gia sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 4.000 lao động địa phương. Đến nay, nhiều sản phẩm đặc trưng của thị trấn như: sợi PE, lưới cước; thủy hải sản tươi sống, nước mắm truyền thống, sứa biển, rau củ quả bốn mùa trở thành sản phẩm đặc trưng vùng miền được tiêu thụ tốt với doanh thu cao. Thị trấn Thịnh Long đã trở thành điểm đến thu hút được nhiều nhà đầu tư từ các địa phương khác; các tập đoàn tài chính, du lịch đăng ký tham gia kinh doanh, góp phần đưa doanh thu từ thương mại dịch vụ của thị trấn ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Trong đó, nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn có doanh thu hàng tỷ đồng/năm ở cả ba nhóm dịch vụ là nhà hàng, khách sạn, hậu cần nghề cá và sản phẩm nông thủy sản. Song song với khuyến khích phát triển sản xuất và tổ chức dịch vụ, thị trấn Thịnh Long cũng phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý, kịp thời ngăn chặn việc “bắt chẹt” khách hàng, bán hàng không theo giá niêm yết, buôn lậu, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng để trục lợi, làm mất trật tự thị trường, ảnh hưởng đến văn minh thương mại tại các khu du lịch, chợ dân sinh.

    Với những nỗ lực và các biện pháp đưa thương mại dịch vụ trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ của thị trấn Thịnh Long ước đạt trên 510 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị thu nhập của địa phương. Năm 2019, thị trấn phấn đấu nâng tổng thu nhập trên địa bàn đạt hơn 750 tỷ đồng; mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm. Để tiếp tục phát huy thế mạnh tổ chức thương mại dịch vụ, ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường của người dân, thị trấn Thịnh Long mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện về hạ tầng để người dân đầu tư phát triển khu thương mại, tài chính dịch vụ, hội chợ triển lãm ven biển dọc theo tỉnh lộ 488 kết nối với dịch vụ du lịch tâm linh, tham quan làng nghề, cơ sở sản xuất truyền thống, tạo điểm nhấn đặc trưng khu dịch vụ ven biển và tăng sức thu hút đầu tư./.




image advertisement

image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Thị trấn Thịnh Long
Địa chỉ: UBND thị trấn Thịnh Long - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định
Điện thoại:    * Email: ttthinhlong.hhu@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tịch UBND thị trấn
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang